- 26/4/2024
- Admin
- Mục: Kiến thức
Bí kíp quản lý người bạn không "ưa"
Ai cũng từng phàn nàn về sếp kém cỏi hay đồng nghiệp rắc rối, nhưng còn những nhân viên cấp dưới khiến bạn phát điên thì sao? Nếu hành vi đó ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc thì chuyện thật đơn giản. Nhưng nếu vấn đề là mâu thuẫn cá nhân thì mọi chuyện phức tạp hơn nhiều? Là người quản lý, liệu bạn có thể công bằng với một người mà bạn chẳng đời nào muốn ăn trưa cùng không, hay là bạn buộc phải thích mọi thành viên trong nhóm mình?
Các chuyên gia nói gì?
Công việc của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn thích tất cả mọi người trong nhóm. Nhưng điều đó chưa hẳn đã là tốt nhất cho bạn, cho nhóm, hay cho cả công ty. Ben Dattner, nhà tâm lý học tổ chức và tác giả của cuốn "The Blame Game" cho biết, "Chúng ta không cần phải thích nhau để làm nên tổ chức thành công." Robert Sutton, giáo sư kỹ thuật và quản lý học tại Đại học Stanford và tác giả của cuốn "Good Boss, Bad Boss" cũng đồng ý với quan điểm đó. Theo Sutton, "Có một danh sách những điều khiến bạn ưa thích một người và một danh sách những điều khiến một nhóm làm việc hiệu quả, và hai danh sách này có nội dung rất khác nhau." Tạo ra một nhóm với toàn những thành viên bạn thân thiết và thường mời đến nhà ăn nhậu là một việc bất khả thi, và cũng không hề lý tưởng. Nhưng việc không thích một nhân viên nào đó cũng thực sự nguy hiểm. Dù vô thức hay cố ý, bạn có thể quản lý sai hoặc đối xử không công bằng với người đó, và không thấy được lợi ích thực sự mà thành viên đó mang lại cho nhóm.
Sau đây là cách để quản lý hiệu quả người mà bạn không ưa.
Đừng vội xem đó là điều xấu
Hẳn rồi, bạn sẽ thấy “khó ở” mỗi khi cô ấy kể mấy câu chuyện cười nhạt nhẽo, hay nhăn mặt khi anh ta huýt sáo trong giờ làm việc, nhưng việc không thân thiết với những nhân cấp dưới không tồi tệ đến thế. Sutton nói: "Xét về mặt hiệu suất, việc quá thân thiết những người bạn quản lý còn đáng lo hơn so với việc không ưa họ." Những nhân viên làm bạn thấy gần gũi và thoải mái có thể là những người hành xử tốt đẹp, không nói xấu và luôn tâng bốc bạn. Nhưng chính những người thường xuyên chọc tức hoặc thách thức bạn mới là người mang đến những hiểu biết mới và thúc đẩy nhóm đạt được thành công. Sutton nói: "Bạn cần những người có quan điểm khác biệt và không ngại tranh luận. Họ là kiểu người cứu tổ chức thoát khỏi những quyết định ngớ ngẩn."
Tập trung vào bản thân
Tuy nhiên, những ngày làm việc sẽ thật dài khi bạn liên tục phải làm việc với người mình không ưa. Việc học cách kiểm soát sự thất vọng là điều vô cùng quan trọng. Thay vì suy nghĩ về việc người đó phiền phức thế nào, hãy tập trung vào lý do tại sao bạn lại có phản ứng như vậy. Dattner nói: "Không phải tự nhiên bạn khó chịu với họ. Họ chỉ vô tình chạm vào một “nút bấm” nào đó trong bạn mà thôi." Ông đề nghị bạn tự hỏi mình những câu hỏi sau:
- Người này thực sự là vấn đề, hay chỉ là họ khiến tôi nhớ đến ai đó? "Một người có năng lực tốt nhưng lại trông giống người dì khó tính mà bạn ghét, thì đột nhiên mọi việc họ làm dường như đều sai."
- Tôi có sợ trở thành người giống như vậy không? Ví dụ, nếu nhân viên của bạn liên tục ngắt lời người khác, và bạn lo lắng mình cũng có thói quen như vậy, thì phản ứng của bạn có thể sẽ gay gắt hơn.
- Liệu người đó có thuộc một nhóm người mà tôi không hòa hợp không? Câu hỏi này liên quan rất nhiều đến những định kiến và vấn đề đạo đức, nhưng bạn cần trung thực với bản thân về bất kỳ định kiến nào mà bạn có thể có. "Hãy cố gắng phân tích xem: đối với bạn, thành viên này đại diện cho điều gì."
Dattner cho rằng, "Bạn không cần phải đi gặp bác sĩ tâm lý để tìm ra vấn đề của mình đâu. Nhưng hãy thành thật với bản thân về những tình huống hoặc đặc điểm tính cách làm bạn khó chịu nhất.” Khi đã xác định được những điều chi phối cảm xúc của bạn, bạn có thể điều chỉnh phản ứng của mình. Hãy nhớ rằng, thay đổi cách nhìn nhận của chính bạn dễ dàng hơn nhiều so với việc cố gắng thay đổi người khác.
Giữ thái độ chuyên nghiệp
Ai cũng mong muốn được sếp của mình yêu thích. Bất kể bạn có cảm xúc như thế nào với nhân viên, họ sẽ rất nhạy bén với thái độ của bạn và cho rằng bất kỳ sự không hài lòng hay khó chịu nào cũng liên quan đến hiệu suất công việc của họ. Trách nhiệm của bạn là phải cư xử công bằng, vô tư và giữ bình tĩnh. Dattner nói: "Rèn luyện khả năng không biểu lộ cảm xúc khi giao tiếp là rất quan trọng. Bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp và tích cực."
Tìm kiếm những điều tích cực
Không ai là người xấu 100%. Tuy nhiên, chúng ta thường dễ dàng nhìn thấy điều tốt đẹp ở những người mình yêu thích và điều tồi tệ ở những người mình không ưa. Dattner nói: "Hãy nhìn vào một số khuyết điểm của những người mà bạn yêu thích và những phẩm chất tích cực của những người mà bạn không thích để có cái nhìn trung lập hơn." Hãy cố gắng tìm ra những điều bạn thích về người đó. "Hãy xem họ là người tốt, tập trung vào những điểm mạnh của họ và cách họ có thể đóng góp cho đội nhóm," Sutton nói. Ông đề nghị bạn nên thường xuyên tự hỏi: "Với những tài năng và hạn chế của họ, họ có thể làm gì để tối ưu lợi ích của nhóm? Liệu nhân viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có thể đảm nhận thêm một dự án khác không? Hay cách nói chuyện chậm chạp của một thành viên ít nói có thể giúp cho cả nhóm suy nghĩ kỹ hơn trước khi nói không?"
Loại bỏ sự định kiến khi đánh giá
Khi ai đó khiến bạn khó chịu, bạn cần đặc biệt cảnh giác để loại bỏ sự định kiến ra khỏi quá trình đánh giá và quyết định lương thưởng. Dattner khuyên bạn nên tự hỏi rằng: "Liệu tôi đang đánh giá người này với cùng một tiêu chuẩn mà tôi dùng cho những người khác không?" Nếu bạn gặp khó khăn trong việc giữ một cái nhìn công bằng về nhân viên, Sutton gợi ý hãy tìm kiếm lời khuyên từ một quản lý khác quen thuộc với công việc của người đó. Hãy nhờ họ phản hồi thẳng thắn về việc liệu đánh giá của bạn có khớp với đánh giá của những quản lý khác không. Thậm chí, bạn có thể yêu cầu nhân viên đó đóng vai "kẻ thách thức", để họ nêu bật những điểm mạnh của họ và tự khẳng định mình, phản bác lại những nhận xét tiêu cực của bạn. Sutton nói: "Người ta thường hiểu lầm Lãnh đạo là một cuộc phiêu lưu đơn độc. Thực ra, Lãnh đạo giống như một môn thể thao đồng đội hơn."
Dành cho nhau nhiều thời gian hơn
Có vẻ bạn không thích làm việc này một tí nào, nhưng dành thêm thời gian cho nhân viên khiến bạn không ưa lại có thể hữu ích đấy. Thuốc đắng dã tật. Sutton trích dẫn các nghiên cứu cho thấy việc hợp tác cùng nhau trong các nhiệm vụ khó khăn có thể giúp bạn xây dựng mối quan hệ gắn kết. Ông nói: "Theo thời gian, nếu làm việc và sát cánh cùng nhau, bạn có thể bắt đầu trân trọng họ."
Hãy cân nhắc đưa họ vào dự án khó khăn nhất của bạn hoặc biến họ thành cánh tay phải của bạn cho một sáng kiến quan trọng. Quan trọng hơn cả, hãy nhớ giữ cho mình một cái nhìn cởi mở. Dattner nói: "Nhân viên bạn yêu thích vào hôm nay có thể trở thành người bạn không thích nhất vào ngày mai. Những người bạn thân thiết hôm nay, ngày mai có thể không còn đáng tin cậy nữa."
Nguồn tham khảo: HBR Guide to Being a Great Boss
Nội dung cùng chủ đề
Admin 5/7/2024 185
Vào ngày 27-28/3/2024, module 5 với chủ đề “Xu hướng công nghệ trong L&D” đã được tổ chức với sự dẫn dắt của chuyên gia Phạm...
Admin 21/6/2024 312
Sự đa dạng đang dần trở thành xu hướng tất yếu, được các tổ chức trên toàn cầu ưu ái. Nhận thức rõ lợi ích to lớn mà sự đa...
Admin 20/6/2024 311
Module 4 của khóa học trực tuyến “Adaptive L&D” đã diễn ra và được dẫn dắt bởi chuyên gia Đỗ Thị Hương – Phó Giám đốc Ban...
Admin 19/4/2024 324
Trong bối cảnh hiện nay, sự biến động khó lường về tài chính, công nghệ tác động tới mọi tổ chức, doanh nghiệp. Bộ phận L&D...
Admin 16/4/2024 362
Tối ngày 20 & 21/3, Module 3 của Khóa đào tạo “Adaptive L&D” đã diễn ra với sự dẫn dắt của giảng viên Lê Phương Anh – Chủ...
Admin 12/4/2024 400
Là một quản lý, bạn không thể chấp nhận việc nhân viên làm việc kém hiệu quả. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến năng...
Trưởng phòng Kinh doanh
Công ty Điện Trường Giang
Cần hỗ trợ?
Nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình đăng ký hoặc có bất kỳ câu nào nào liên quan đến khóa học hãy gửi yêu cầu để được chăm sóc và hỗ trợ nhé!