- 18/8/2023
- Admin
- Mục: Kiến thức
Điểm khác biệt giữa nhà quản lý tốt và nhà quản lý xuất sắc: Bạn là ai? (Kì 1)
Dù bạn đã là một quản lý lâu năm hay chỉ là “tay mơ” mới vào nghề, sẽ luôn có những lúc bạn nghi ngờ bản thân, thậm chí cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Dự án bạn quản lý không diễn ra theo đúng kế hoạch, nhân viên của bạn không hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu. Cùng lúc đó, bạn nghe được tiếng xì xào từ cấp dưới rằng “Mọi vấn đề đều do sếp thiếu năng lực lãnh đạo cả đấy”. Bạn tưởng rằng mình vẫn đang làm tốt cho đến khi bạn nhận một nhiệm vụ mới đầy khó khăn. Bạn bị cấp trên góp ý khi làm việc chưa hiệu quả. Hoặc đơn giản là, một ngày nào đó, bạn chợt nhận ra rằng mình không còn phát triển và thăng tiến được nữa - bạn đang giậm chân tại chỗ.
Hầu hết các nhà quản lý đều ngừng nỗ lực để phát triển bản thân
Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Harvard Business School, các nhà quản lý trong tổ chức được chia thành 04 nhóm:
- Nhóm tinh hoa: bao gồm các nhà quản lý có năng lực xuất sắc, chiếm số ít trong tổ chức
- Nhóm đạt yêu cầu: bao gồm các nhà quản lý với năng lực lãnh đạo tốt, nhưng chưa xuất sắc
- Nhóm tầm thường: bao gồm các quản lý năng lực trung bình, không nổi trội nhưng không phạm lỗi sai và không gây khó chịu cho nhân viên
- Nhóm hạn chế: bao gồm các nhà quản lý năng lực kém, gây ức chế và đau khổ cho nhân viên cũng như tổ chức
Phần lớn những nhà quản lý là những người thông minh, thành đạt, có tinh thần cầu tiến và luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình. Nhưng cũng có rất nhiều người gặp trở ngại và không thể phát huy hết tiềm năng vốn có. Tại sao? Bởi vì họ đã ngừng phát triển bản thân.
Khi nhận nhiệm vụ mới, nhà quản lý thường tiếp nhận thông tin và điều chỉnh bản thân để thích ứng với nhu cầu của công việc. Những người tài năng và tham vọng hơn thì chọn những dự án dài hạn đòi hỏi sự trau dồi và học hỏi. Nhưng, họ lại trở nên tự mãn khi công việc đã đi vào quỹ đạo và không còn sợ thất bại nữa. Mỗi tổ chức đều có cách thức hoạt động riêng - từ chính sách, quy chế đến những nguyên tắc bất thành văn, chẳng hạn như “quy luật thăng chức theo thâm niên” hay “văn hóa hạn chế xung đột”. Tuy nhiên, khi đã nắm rõ những quy tắc này, các nhà quản lý lại lợi dụng chúng, chỉ để làm tốt ở mức chấp nhận được, chứ không nỗ lực và cố gắng thêm.
Phần lớn các tổ chức cũng không hỗ trợ nhiều các nhà quản lý và hiếm khi yêu cầu những nhân sự đã có kinh nghiệm phải học hỏi và phát triển. Người ta chỉ mong đợi từ nhà lãnh đạo những kết quả ngắn hạn, mà những kết quả này hoàn toàn không thể đánh giá được hết kỹ năng của một nhà quản lý đích thực.
Để trở thành một nhà quản lý xuất sắc, bạn cần phát triển tư duy toàn diện trong công việc. Phương pháp phát triển tư duy được chúng tôi đề xuất sau đây dựa trên những nghiên cứu thực tiễn về việc quản lý tại các tổ chức và dựa trên sự hiểu biết và quan sát của đội ngũ chuyên gia về những lỗi sai mà các nhà quản lý thường mắc phải. Qua đó, chúng tôi đúc kết được rằng, nhà quản lý có ba nhiệm vụ cốt lõi: Quản lý bản thân. Quản lý mạng lưới mối quan hệ. Và Quản lý đội nhóm.
Quản lý bản thân
Để trở thành một nhà quản lý xuất sắc, hãy bắt đầu bằng việc quản lý chính bản thân bạn. Hãy trả lời các câu hỏi: Bạn là ai?, Động lực của bạn là gì?, Bạn kết nối với những người xung quanh ra sao?, Bạn tạo ảnh hưởng với người khác như thế nào?
José là Trưởng bộ phận Sales & Marketing của một công ty lớn chuyên sản xuất hàng tiêu dùng. Anh ấy có hai cấp dưới đảm nhận vị trí quản lý tại Phòng Maketing. Một người không thích phải trở thành “sếp” và ghét việc mọi người gọi anh ấy là “sếp”. Để được yêu quý, anh ấy cố gắng xây dựng mối quan hệ thân thiết với tất cả mọi người, và mong muốn mọi người ngầm hiểu rằng: “Vì chúng ta là bạn của nhau, hãy làm như tôi bảo nhé!”. Điều này cũng có hiệu quả đấy, cho đến khi, anh ấy phải từ chối đề bạt một “người bạn” và từ chối thưởng cho một “người bạn” khác, vì những lý do hoàn toàn chính đáng. Đương nhiên, những “người bạn” đó cảm thấy bị phản bội. Sự bất mãn của họ bắt đầu lan ra và đầu độc những người khác trong nhóm.
Người quản lý kia lại có cách tiếp cận trái ngược. Với cô ấy, mọi thứ đều là công việc. Đã là công việc thì không có chuyện tâm sự hay kết bạn. Kết quả công việc là quan trọng nhất, và cô ấy được phong làm sếp bởi vì cô là một người biết bản thân và nhân viên của mình phải làm gì. Thông điệp của cô ấy luôn là: “Hãy làm theo những gì tôi nói vì tôi là sếp của bạn”. Phương pháp quản lý này cũng có hiệu quả - nhưng rồi, nhân viên của cô bắt đầu rời đi.
Nhóm của bạn sẽ làm việc năng suất, nếu nhân viên tin tưởng vào bạn và khả năng quản lý của bạn. Sự tin tưởng ấy đến từ hai yếu tố: tin tưởng vào năng lực (bạn biết phải làm gì và làm như thế nào) và tin tưởng vào nhân cách (bạn có động cơ đúng đắn và luôn muốn điều tốt đẹp nhất đến với các nhân viên của mình). Trừ khi bạn lựa chọn cách ép buộc, sự tin tưởng là nền tảng để bạn tạo dựng sức ảnh hưởng, và bạn cần thúc đẩy sự tin tưởng đó. Sự quản lý chỉ thực sự bắt đầu khi bạn đã có thể quản lý chính con người bạn.
Quản lý mạng lưới mối quan hệ
Có nhiều nhà quản lý không thích, thậm chí chán ghét và không muốn tuân thủ quy trình vận hành tại công ty của mình. Họ cho rằng các quy trình này cứng nhắc, không thông minh và tốn thời gian; tuy nhiên lại không nhận ra rằng những nguyên tắc đó sinh ra là để giải quyết ba xung đột cố hữu trong mọi tổ chức sau đây:
- Phân bổ nguồn lực
- Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các phòng ban
- Sự khan hiếm của nguồn lực.
Thật không may, nhiều nhà quản lý giải quyết xung đột bằng cách né tránh nó. “Tôi ghét nguyên tắc của công ty!”, “Hãy để tôi làm việc của tôi thôi.” Nhà quản lý hiệu quả sẽ không cố gắng thay đổi những nguyên tắc cố hữu ấy, bởi họ biết họ không thay đổi được. Thay vào đó, họ chủ động gắn kết với mọi người vì sự thành công chung của tổ chức. Họ xây dựng và nuôi dưỡng một mạng lưới quan hệ rộng lớn với những người họ cần và những người cần họ. Họ cũng tạo được sức ảnh hưởng đến người khác mà không cần phải ép buộc hay sử dụng quyền lực.
Quản lý đội nhóm
Rất nhiều nhà quản lý không nhận ra rằng việc quản lý từng cá nhân trong nhóm và quản lý nhóm là 02 việc hoàn toàn khác nhau. Con người là sinh vật xã hội, luôn muốn hòa nhập và muốn được công nhận là một phần của tập thể. Vì vậy, việc tác động đến hành vi của từng cá nhân thông qua một tập thể sẽ hiệu quả hơn nhiều. Vậy, bạn cần làm gì để những thành viên trong nhóm thực sự trở nên gắn kết - tức là, họ cùng cam kết, hướng đến một mục đích chung và những mục tiêu liên quan?
Việc quản lý tập thể đòi hỏi nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức về quản lý và lãnh đạo. “Một cây làm chẳng nên non - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Con người có xu hướng sáng tạo và hiệu quả hơn khi được làm việc cùng nhau.thay vì làm một mình. Một nhóm làm việc hiệu quả là nơi mà các thành viên đều phải chịu trách nhiệm với chính mình và với các thành viên khác. Họ sẽ cùng thành công hoặc cùng thất bại. Việc có một mục đích rõ ràng, một mục tiêu và một kế hoạch cụ thể rất quan trọng. Không có những điều này, nhóm sẽ không thực sự hợp nhất thành một đội/nhóm gắn kết.
Văn hóa của nhóm cũng không kém phần quan trọng. Các thành viên cần biết rõ nhiệm vụ của nhau; thấu hiểu các giá trị, chuẩn mực và tiêu chuẩn của nhóm; rành mạch về cách thức hợp tác; và tất nhiên thông suốt tất cả quy định về cách thức giao tiếp trong công việc. Và việc của người quản lý là đảm bảo rằng nhân viên đã nắm rõ tất cả những thông tin quan trọng này và làm theo chúng.
Ngoài ra, những nhà quản lý hiệu quả còn hiểu rằng họ không thể bỏ qua bất kỳ một cá nhân nào trong tập thể. Ai cũng muốn trở thành một thành viên có giá trị trong nhóm và muốn bản thân được công nhận. Và người quản lý phải có khả năng đáp ứng được nhu cầu đó của từng cá nhân. Hãy nhớ rằng đừng quá phô trương hay tập trung vào một nhân viên nào đó; hãy đảm bảo sự cân bằng tổng thể trong cả nhóm.
Và cuối cùng, những nhà quản lý hiệu quả luôn biết cách lãnh đạo một đội nhóm và đảm bảo những công việc hàng ngày được hoàn thành - bao gồm cả những việc phát sinh hay những việc không thường xuyên - để cả nhóm luôn theo đúng tiến độ và đạt được hiệu suất làm việc cao nhất.
Nguồn tham khảo: HBR Guide to Being a Great Boss
Nội dung cùng chủ đề
Admin 5/10/2023 192
Các nghiên cứu cho thấy đưa ra phản hồi là một trong những cách hiệu quả nhất để giúp nhân viên phát triển và tiến bộ. Phản...
Admin 23/9/2023 197
“Mình là một người lắng nghe tốt”, chắc hẳn đã có lúc bạn nghĩ như vậy. Không chỉ mình bạn mà hầu hết mọi người đều đã và...
Admin 11/9/2023 240
Bất đồng là điều khó tránh khỏi trong bất cứ đội nhóm nào. Sự khác nhau về mối quan tâm, nhu cầu, lợi ích và kế hoạch có...
Admin 6/9/2023 248
Trong thế kỷ 21, thành công trong sự nghiệp phụ thuộc vào việc bạn có thể liên tục kiến tạo và lan tỏa cảm xúc tích cực hay...
Admin 6/9/2023 241
Thời đại chia sẻ thông tin ngày nay giúp con người kết nối với nhau dễ dàng hơn bao giờ hết. Đồng nghiệp, cấp trên hay nhân...
Admin 23/8/2023 407
Niềm tin là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì hiệu suất làm việc cao của nhóm. Niềm tin tạo nền tảng cho sự giao tiếp...
Giám đốc SeABank Thành Công
Học viên khóa online “Kỹ năng giao việc và quản lý thực hiện công việc” – T8/2021
Cần hỗ trợ?
Nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình đăng ký hoặc có bất kỳ câu nào nào liên quan đến khóa học hãy gửi yêu cầu để được chăm sóc và hỗ trợ nhé!